Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

MẤY CÂU CHỢT NHỚ.

Trên FB mình viết là mình đã đi chơi chỗ khác. Thì đây một chỗ khác, với vài câu này.
1 - "Chớ có hân hoan, gian khó đang còn" Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nói với ông Lê Đức Thọ và các cán bộ ra đón tại phi trường Tân sơn nhất ngày 01/5/1975. Sau đó là Nghị quyết Đại hội IV của Đảng năm 1976. Một siêu phẩm chính trị với tính khái quát ưu việt, với trí tuệ tầm nhìn vượt thời gian, có giá trị vĩnh hằng cùng Cách mạng Việt nam, cùng đất nước. Các nghị quyết của Đảng vốn có tính kinh điển về lý luận cách mạng và tính thực tiễn cao, đã đưa cách mạng nước ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì NQ IV là kinh điển của kinh điển, bao quát của bao quát và số liệu hoá của số liệu.
2 - "Vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược", một nhận định trong Báo cáo chính trị ĐH IV. Thì ngày 17/02/1979, Đảng Cộng sản Trung quốc phát động cuộc chiến "dạy cho Việt nam một bài học" với hơn 600.000 quân chính qui. Đến nay "bài học" vẫn chưa được đọc ra tên. Nhưng cũng năm đó Đảng ta đã xác định trong văn kiện chính thức của Đảng rằng : Cái Đảng cách mạng anh, em ấy, Đảng của tình hữu nghị mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững ấy là : Kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất. Để rồi nay đang là 16 vàng, 4 tốt. Bài học vẫn chưa thành tên? Hay tên là : Chớ bơi biển xa?
3 - "Nếu căng thẳng quá, thì Nga gia nhập NATO là xong". Một siêu ý tưởng có tính hiện thực của Putin : Không đối đầu nữa, cùng bàn bạc. Ý là vậy nhưng Gruzia năm 2008, Krym năm 2014 và Syria năm 2015 mới là thực tế. Một người dân Nga nói : Tôi rất buồn vì Nga không còn bạn bè trên thế giới. Đói khổ thế nhưng nỗi buồn lại là thiếu bạn bè.
4 - " “Có đồng chí được Trung ương giới thiệu không trúng cử, có người không được Trung ương giới thiệu nhưng được Đại hội giới thiệu cũng trúng cử. Vừa rồi, các đại biểu Quốc hội cũng tâm sự, dân chủ thế này là cùng, không thể dân chủ hơn" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói." Theo : http://vnmedia.vn/dan-sinh/201601/dan-chu-the-nay-la-cung-khong-the-dan-chu-hon-520278/
Thế mà mình tưởng, có bao nhiêu nhóm ý kiến của dân về cùng một vấn đề , thì có bấy nhiêu khả năng dân chủ, bởi vậy mới cần xã hội dân sự, mới cần trưng cầu dân ý. Dân chủ của dân thì không một nhóm người nào ngoài dân được ban vào, chỉ có thể cổ suý, dù nhóm đó là nhóm lãnh đạo : "Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự.
Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ suý cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự."  Ngô Bảo Châu. Theo : https://www.facebook.com/notes/chau-ngo/y%C3%AAu-n%C6%B0%E1%BB%9Bc/517223868450143?fref=nf . 
Viết đến đây mới thật hiểu ý của Châu khi mình đã nhận xét rằng : Châu viết thật sang trọng và xa cách. Sang trọng vì không đứng ngoài : "Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra."   Xa cách vì tưởng là hai : dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến Đại hội của “họ”.  Trích từ : SANG TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét