Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

20 - 11 VÀ ...

Như một lời với các GIÁO THÂN., với mình, với CON., cháu và người XƯA xa vắng.

Đã


Đã không còn rể Trường rồi
Đã không thân, cũng chẳng gần Trường ơi
Ngôi Trường vợ dạy một thời
Đã thành ra thế: một đời? lại không!
Ngày hiến chương, có xót trông?
Người đây, Trường đấy, mà không thấy người!
Đã thành người hết sự đời
Đã là tình cạn, Trường ơi? trường mình!
20/11/2006

Những câu viết tám năm rồi, tám năm Em đi xa. Những câu luyến tiếc về  buồn đau, trong thảng thốt và hẫng hụt.
Đến hôm nay, lại 20 - 11. Tứ thân phụ mẫu đã đi rồi, và : Đã là tình hết, tình ơi, tình mình. Đang đoàn viên với người sau tới, hậu duệ của mình
Đã là :



Tuổi già kéo Cháu vào ra
Mai này Cháu kéo thân ta về trời
Ông đi đã cuối đường đời
Cháu đà nhu nhú cái thời mầm non.

Tre đã già, măng đã mọc, cái vòng sinh tử một đời và muôn đời. Đã đến lượt ta rồi, theo thứ tự cuộc sống, ta đã đứng đầu cuộc xếp hàng về nơi ấy, và lại đoàn viên cùng người đi trước. ... sắp đoàn viên.

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

THUÊ THÔI.

Thuê giám đốc doanh nghiệp đó là cách quản lý khi khối lượng quản lý lớn dần mà chủ doanh nghiệp không thể bao được hết. Những doanh nghiệp lớn của nhà nước là một dạng như vậy.
Một tập đoàn đa quốc gia như Microsoft hay một cửa hàng ăn bé tẹo của Việt nam đều thuê nhân viên để làm việc cho mình. Sự khác nhau chỉ là thuê nhiều cấp hay một cấp công việc mà thôi, ở những công ty lớn là thuê Tổng giám đốc các loại, rồi Tổng giám đốc lại thuê giám đốc các loại và cứ thế đến nhân viên trực tiếp, còn cửa hàng ăn bé tẹo thì thuê nhân viên trực tiếp và thậm chí chỉ thuê một người. Một tập đoàn hoạt động theo định chế do tập đoàn ban hành, một cửa hàng hoạt động theo những điều khoản cụ thể, thậm chí bằng miệng không cần văn bản.
Doanh thu của Microsoft năm 2010 là 62,48 tỷ USD, của Ford là 128,95 USD lớn hơn GDP của Việt nam là 104,6 tỷ USD. Nếu là một quốc gia Ford xếp trên Việt nam và sau nhiều tập đoàn khác. Nói vậy để thấy riêng về điều hành hoạt động kinh doanh, qui mô phải điều hành của Ford lớn hơn nền kinh tế của Việt nam. Ở các công ty này không có tham nhũng, tham ô (theo tổ chức minh bạch quốc tế thì :   "tham nhũng là Lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. tham ô là hành vi Lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công.")  chỉ có lấy cắp (ăn cắp) của công ty mà thôi.
Nói dông dài vậy để nói về những phát biểu tâm huyết, gang thép của các đại biểu quốc hội tại kỳ họp 8 quốc hội khoá 13 về nhân sự (không phải là nhân lực) - xin dẫn một bài đanh thép : ĐẠI HỘI ĐẢNG 12 PHẢI LÀ CUỘC CÁNH MẠNG VỀ NHÂN SỰ. Phát biểu đầy tâm và cao tầm vậy, nhưng ở ta tham nhũng, tham ô rất nhiều trong các doanh nghiệp nhà nước, các công ty cổ phần vốn nhà nước chi phối (bao gồm cả các ngân hàng cổ phần). Vì sao? vì ở đó tiền của nhà nước được coi là của chung, của chùa, ở đó chưa ký hợp đồng với giám đốc, tổng giám đốc theo các điều khoản nghiêm ngặt về tài sản doanh nghiệp. Ở đó còn duy trì chế độ bổ nhiệm, một người rất to ký cho một người.
Cuộc cách mạng nhân sự nếu có, thì trước tiên hãy là cuộc cách mạng nhân lực, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả. Hãy đi thuê nhân lực, hãy cho những người đang được gọi là cán bộ, công nhân được làm thuê thực sự, bằng một hợp đồng đơn dạng ký giữa hai bên, chứ không phải là cái hợp đồng đồng dạng hàng ngàn hàng vạn bản như nhau được ký bởi một bên và bên kia gần như bắt buộc ký, để rồi thực hiện rất ít hoặc không thực hiện được.
Xin kể chuyện này : Giám đốc một công ty nhà nước tâm sự. Nếu chỉ trông vào kết quả sản xuất kinh doanh thì giám đốc ăn gì, lương hằng tháng được bao nhiêu, nếu chỉ bán hàng thì vừa bận bịu bán vừa lo chuyện kiện cáo chất lượng, khối lượng hàng hoá đã bạc tóc rồi, nói chi đến lao tâm khổ tứ để lo kỹ thuật máy móc thiết bị hoạt động tốt, vận hành thường xuyên và liên tục. Nhưng ... nhưng máy móc bị sự cố, hỏng hóc thì mới có cơ hội để thu nhập chứ, mới mua rẻ nhập đắt được chứ, mới chuyển lãi được chứ. Ôi trời! nhưng đúng, đúng quá.
Nếu mình làm cho sướng bản thân thì cứ hì hà, hì hụi làm thôi, càng hà nhiều thì càng sướng, càng hụi lâu càng sướng, chẳng nói cho ai biết cái sướng này đâu. Nếu mình làm tiền thì mình đi thuê thôi, giá mồ hôi không đắt đâu, chỉ có thuê mồ hôi mới được nhiều tiền, từ tiền lại đầu tư tiếp, thuê tiếp nhiều lên để có thêm thật nhiều tiền, tiền làm ra tiền mà, cho tiền ra cửa để tiền còn đẻ chứ. Thuê thôi. Làm kinh tế thì phải theo qui luật kinh tế chứ, cho dù gọi là dự án, ngân hàng, sản xuất, kinh doanh thương mại hay gì gì nữa thì cũng thuê thôi. Cho dù vốn sở hữu dạng nào, toàn dân, nhà nước, cổ phần, tư nhân đi chăng nữa vẫn là làm kinh tế, thuê thôi. Dòng chảy đầu tư nước ngoài FDI đang vào Việt nam là vậy đấy, thuê thôi, thuê lao động rẻ thôi, thuê đất rẻ thôi, thuê ở đây đang được ưu đãi rất nhiều về hạ tầng, phí, thuế, thuê ở đây rất dễ chuyển giá, chuyển lãi, thuê thôi. Những Canon; Sumitomo; Samsung; Foxconn; Mictac; Tyco Electronics; ABB; Nokia; ...  ra khỏi Trung quốc thôi, vào Việt nam thôi, ra khỏi chỗ đắt vào hẳn chỗ rẻ thôi, thuê thôi.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

RƯNG RƯNG.

Đọc xong bài GHI CHÉP VỀ NHỮNG CÁI TÊN. mình thấy rưng rưng, có lẽ vì tủi phận. Xin trích một đoạn : "Tôi lại nhớ cuốn sách mình vừa đọc của tác giả Trà Vigar, nhớ những bức ảnh của Ina Jara, nhớ giọng ca Ksor Đức, Danh Nay, David Boo… Những người bạn dân tộc thiểu số trên đất nước này, với suy nghĩ rằng những cái tên của họ đa dạng và đẹp đẽ, chứ không phải là những cái tên để đón nhận sự phán xét."
Xin không nói về bài viết đã gây nên cảm xúc ra sao, đã làm tôi rưng rưng thế nào. Xin không kể lại những người, những kiếp người và "những sinh linh bị lìa bỏ trước khi nhận biết thế gian" tác giả Tuấn Khanh đã dẫn trong bài viết, bởi làm vậy là thừa.
Xin được đề cập thế này : Quốc hội là cơ quan lập pháp của Quốc gia, ở nước nào cũng thế, vậy những gì liên quan đến cả quốc gia thì phải lập pháp ngay để mọi người dân trong cả quốc gia đó hành pháp, những gì liên quan trong một vùng miền thì nghiên cứu để có thể/hoặc không nên đưa vào lập pháp. Tất cả những gì chỉ của cá nhân thì để cho cá nhân đó lập pháp, những gì trong một nhóm nhỏ, một đơn vị hành chính thậm chí một Tộc người, thì để cho những bộ phận đó tự lập pháp. Ở đây đang bàn về quan hệ dân sự trong quốc gia, tức các quan hệ người - người, quốc hội nên tránh những THAY MẶT. hoặc CƯỠNG BỨC. không những không cần mà còn gây ra rắc rối không đáng có trong quan hệ dân sự.
Xin thưa rằng, những gì người dân tự làm (đặt tên chẳng hạn) nếu gây lên những phiền luỵ, rắc rối cho chính họ trong các quan hệ xã hội thì tự họ sẽ từ bỏ, dư luận xã hội sẽ phán xét việc làm đó bằng những đánh giá cộng đồng. Cuộc sống vốn tự đào thải hay hấp thụ theo cách chọn của chính nó, như cơ thể mỗi người ấy mà, ăn, uống, thở rất khác nhau, nhưng cũng chỉ đắp vào cho thần xác và thần tính của mỗi người mà thôi. Cái cách đào thải hay hấp thụ của mỗi xã hội, mỗi bộ phận xã hội tạo nên văn hoá của xã hội, bộ phận xã hội ấy. Cái cách đào thải hay hấp thụ của mỗi cá nhân sẽ tạo nên béo gầy, cao thấp và tính cách của mỗi cá nhân người ấy.