Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

KHÚC 61.

"Bài ca mùa xuân 61"
Tố Hữu hầu đồng một mình hoang tưởng,
Với điệp trùng sáo ngữ của Thi Nhân,
Và những vần theo luật thập phân.

 Về năm mới Ất mùi.
Thế là các anh đã 61 cả rồi.
Nén lòng vào hơi thở, đã dài.
Em như là, tiếc nuối?

Anh ngờ nghợ chắc còn
Cắt gối mình, thấy màu son.
Anh cùng Em, cùng năm tháng nữa,
Em sẽ đời hơn, em trẻ lại Anh.

Xuân chẳng "đỉnh cao", không cuối bao giờ,
Xuân mãi mãi mùa. Cảm giác mùa anh.
Hạnh phúc thực Anh, chẳng "treo trước mắt",
Lứa chúng anh, mùa sáu mốt mình xuân.

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

MỘT NHÂN DÂN.

Tận thay, tận phá, tận diệt.
Là cách nói ngắn gọn về việc tận thay toàn bộ chế độ cũ, những thiết chế của chế độ cũ, bằng cái mới kiểu như cũ chỉ là với người sở hữu khác, chế độ khác.
Tận phá Đình, Chùa, Miếu mạo. Để khánh thành Đình, Chùa, Miếu mạo khác, tất nhiên sau mấy chục năm và với những bức tượng mới không nhất ắt nhì về độ lớn, độ cao, độ đắt cùng những quan khách của mình.
Tận diệt kinh tế tư nhân để sau mấy chục năm vẫn là tư nhân, tự làm tự ăn và đang làm lại tư nhân căng thẳng, quyết liệt, nếu ai làm chậm cổ phần thì kỷ luật ngay. Cái tư nhân sau còn đưa Quốc gia lên hàng nhì, nhất về xuất khẩu gạo. Kinh tế tư nhân, kinh tế tự thân mỗi người, mỗi gia đình, mỗi một quốc gia.
Còn gì chưa diệt hết không?. Còn gì chưa thay bằng mới? Còn gì chưa đã và đang vào vòng quay mới?. Còn gì chưa cởi cho mình và cho người những hôm qua mình đã trói và tự trói?
Vẫn còn một nhân dân hôm qua chứ không phải chế độ cũ, chế độ cũ đánh đổ rồi chỉ còn lại nhân dân. Cuộc sống thì vẫn cuộc sống, nhân dân chỉ một nhân dân ngày ngày sống, ngày ngày sinh con đẻ cái để tự mình duy trì nhân dân.
Hình như cuộc sống không phải là tận thay mà là tuần tự theo tự nhiên. tuần tự sinh diệt, cũng là thay nhưng không phải thay cưỡng bức mà rất tự nhiên, tuần tự chết sống, phá sản và thành lập. Một nhân dân tuần tự nhân dân. Vẫn biết rằng có DÂN. cụ thể.

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

HIỂU.

Hãy lược qua vài chuyện.
Ngày còn ở bộ đội, được thoáng nhìn thấy mặt và nghe được một câu của Ô Phùng Thế Tài. Đại ý : Công sự (cái ụ pháo phòng không) chúng mày đắp thế này, tao cẩng cặc cũng đổ nói gì bom mỹ. Câu nói khi Ô kiểm tra đột xuất trung đoàn với cương vị Phó Tư lệnh binh chủng PK-KQ. Lúc đó mình thấy ngồ ngộ vì tục và hiểu vui theo nghĩa đen của câu nói mà thôi.
Cũng thời ở bộ đội phòng không những năm đó. Mọi người trong đơn vị mình bàn nhiều đến thời điểm bắn của phòng không Trung Quốc giúp sáu tỉnh phía bắc Việt Nam, nghe nói họ bắn ở thời điểm máy bay ném bom xong bắt đầu bay lên. Với lý luận tốc độ di chuyển ở đoạn cong lên là thấp nhất và diện tích mục tiêu là lớn nhất với toàn bộ mặt bụng máy bay. Bộ đội mình bắn ở thời điểm máy bay đang bổ nhào ném bom với lý luận đường ngắm ổn định nhất, kiểu khẩu hiệu "nhằm thẳng quân thù mà bắn". Kết luận những lời bàn đó là Trung quốc nhát, mình anh dũng. Nhát không? khi chấp nhận cho nó bỏ bom một cách chính xác, anh dũng không? khi bắn để nó bỏ bom không chính xác. Đấy là lời bàn của lính.
Bây giờ thì hiểu Ông Phùng Thế Tài bảo thế này : Hãy bảo vệ mình trước đã, hãy sống đã (khi có thể) bắn địch sau, còn sống thì còn cơ hội bắn địch.
Nay đọc thấy câu này : "Tôi rất muốn đặt câu hỏi với những người đang bảo vệ anh ta, nếu như Tân Hiệp Phát “khôn ngoan” như nhiều người đề nghị, đàm phán với anh ta và mua sự im lặng với giá 500 triệu hay một tỷ đồng, thì điều gì sẽ xảy ra? Hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục vui vẻ uống những chai nước từ một dây chuyền sản xuất có vấn đề về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, anh nông dân có một khoản tiền lớn để đổi đời, Tân Hiệp Phát thở phào vì “tai qua nạn khỏi”, đó phải chăng là cái kết mà rất nhiều người khuyên Tân Hiệp Phát nên xử lý?" - Thật kinh điển với cách nhìn đến mục đích cuối cùng của mọi tranh luận về "con ruồi trong chai nước ngọt" đang tràn lan trên báo chí. (Tất nhiên xin mở ngoặc : Cũng có tranh luận THP đã bẫy người mua chai nước bị lỗi? Xin không bàn ở đây). Thế đấy, nhìn đến mục đích cuối cùng. trước khi ai đó có lỗi pháp lý trong vụ này thì người tiêu dùng đã, đang và sẽ là liên can nhiều nhất đến vụ việc, dù không xuất hiện trong tranh luận.
Xin tào lao thế này. Mình quyết định thay dân một việc gì đó và giải thích việc đó là lợi ích cho nhân dân nói chung. Tỷ như : Thu hồi đất ở của dân khu A để xây dựng công trình XX, Dân khu A không đồng ý, mình quyết định cưỡng chế thu hồi là xong. Vậy ở đây suy cho cùng là cưỡng chế cái gì? Có phải cưỡng chế lợi ích của Dân khu A, phục vụ lợi ích cho nhân dân nói chung (là mình nói thế) không. Nếu thế có phải đã yêu cầu Dân khu A hy sinh một phần lợi ích của họ không, cái phần mà họ chưa đồng ý ấy? Có điểm bắt tay được giữa Dân khu A và mình không?giữa lợi ích của Dân khu A với cái lợi ích cho nhân dân nói chung mà mình nói đến ấy, để san sẻ hai bên không? Ai cũng vì cái lợi mà. Mình nghĩ nếu cái lợi của nhân dân nói chung là thật, thì điểm bắt tay sẽ có thật khi san sẻ lợi ích của Dân khu A và lợi ích của nhân dân nói chung. Hiểu vậy.

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

MỒ HÔI.

Mồ hôi thật sự là gì? Cái kiểu loại lao động chăng? Cái năng suất lao động chăng?
Mồ hôi nhiều hơn, làm hơn được gì? Người khoẻ hơn người yếu được bao giọt mồ hôi? Bao việc ở đời? Mấy sá cày trong một buổi cày, bao đường cấy trong một ngày cấy? Chắc không nhiều, cái năng suất ấy, loại mồ hôi ấy.
Vậy sao có người làm ra nhiều tiền đến vậy? Nhiều vật chất qui tiền đến vậy? Sự khác nhau có do lao động nhiều hơn, có do đổ nhiều mồ hôi hơn. Rõ là không? Mồ hôi đâu mà đổ được nhiều đến vậy.
Hay do cách đổ mồ hôi tức kiểu loại mồ hội đã đổ.
Xem trong thế giới tự nhiên, chương trình "Trên đôi cánh" của Tivi lờ mờ hiểu ra. Đàn ngỗng chờ đến một ngày nào đó mới cất cánh bay cho một chuyến di cư dài đến hàng nghìn kilomet, vâng hàng nghìn km? Bay được không? Không. Không thể bay được với sức ngỗng trong suốt hành trình xa vậy, với ít ngày đến vậy. Sao vẫn đến đích trong thực tế? Xin thưa đàn ngỗng chờ đến ngày có luồng khí nóng di chuyển ổn định theo hướng định di cư mới cất cánh bay lên, bay lên. Bay lên hoà vào làn khí nóng đang di chuyển đó và thế là chỉ sải cánh ra cho làn khí nóng nâng lên, mang đi. Sải cánh ra cho khí nóng nâng lên, mang đi đến đích, chỉ thỉnh thoảng nghiêng cánh nhẹ nhàng để chỉnh hướng bay. Sải cánh ra, nghiêng cánh đi ... và đến đích. Mồ hôi kiểu sải cánh ra ... là vậy, chắc phải gấp hàng vạn kiểu mồ hôi vỗ cánh bay, tính theo số km bay theo hai kiểu mồ hôi.
Lại nghĩ mồ hôi của BillGate đổ ra nhiều hơn hay của một Người nông dân Việt nam nhiều hơn vì trong lối so sánh ấy, điều đã biết ai trong hai người đó làm ra nhiều của cải hơn. Nhiều của cải hơn cho xã hội chứ không phải là khối lượng lớn hơn cho mình như chú Dã tràng.
Với cách hiểu về việc bay của đàn ngỗng và cách so sánh BillGate với một Người nông dân. Phải chăng cách đổ mồ hôi mới là quan trọng, một sự đổ mồ hôi cho một việc gì đó, mà việc đó là cần cho nhiều người trong xã hội, nói cách khác là xã hội sẽ trả nhiều tiền cho ng­ười biết cách để đổ ra loại mồ hôi ấy, mồ hôi mà họ cần, vâng chọn cách đổ mồ hôi và biết cách đổ, chỉ thế thôi. Nhưng trong mỗi người có sẵn và có thể học được bao nhiêu cách đổ? Bao nhiêu loại mồ hôi?
Trong thực tế xã hội ta hiện nay bao người làm được điều đó? Đổ mồ hôi của mình (loại mồ hôi có thể) vào việc làm ra cái mọi người cần để thành công. Mồ hôi mình có nhiều người hiểu rõ, biết rõ nhưng làm cái mọi người (xã hội) cần đã mấy ai thành công, mấy ai thấy được. Tại Blog này mình đã có đoạn viết về người nặn bi đất sơn bán cho trẻ và người làm phấn may bán cho thợ may trong thập kỷ 70 ở Việt nam, hai người đó được gọi là trung lưu thời đó, họ có thành công không? Họ chỉ đơn giản làm việc có thể làm và mọi người cần vậy thôi. Mình ngưỡng mộ họ, ngưỡng mộ mồ hôi của họ. Mồ hôi.