Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

KỊCH HAY.

Xin được không cần dẫn nguồn vì quá nhiều tin về các việc này trên mạng.
Màn 1 : Cách nay khoảng 2 tháng.
Tin các nhà mạng tăng giá các dịch vụ 3G.
Màn 2 : Cách nay khoảng 1 tháng.
Tin các cơ quan quản lý xem xét, thẩm tra việc tăng giá, kết luận chung : Tăng giá hợp lý.
Màn 3 : Đang.
Các tin về lương khủng tại ba nhà mạng lớn, VINAPHONE, MOBIFONE, VIETTEL.
Người dùng tự hiểu :
Nếu các nhà mạng được quyền kinh doanh thì hãy hỏi mình : Có nên dùng không? Dùng bao nhiêu?
Nếu các nhà mạng được quản lý thì hỏi như trên và đừng hỏi thêm gì?


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

THUẾ 1.

Quả thật trong một vài bài viết của tôi. Tôi đã viết với ý là Nhà nước mình hoạt động bằng tiền thuế, nhưng Tôi cũng hiểu "tiền thuế" theo nghĩa : Tiền của đất nước, tiền của nhân dân, chứ không phải chỉ là tiền đóng thuế. Bởi Tôi hiểu trong ngân sách của nước mình, thì tiền thuế (tiền do doanh nghiệp, dân đóng thuế) chiếm tỉ trọng rất ít.
Hãy từ từ và lừ đừ nhìn sẽ thấy : Đến những năm cuối 80 của thế kỷ trước Nhà nước mình vẫn rất nghèo (hiểu theo nghĩa có tiền) vì toàn bộ hoạt động của dân chúng vẫn là tự cung, tự cấp hiện vật. Phần lớn số hiện vật tiêu dùng để duy trì sự sống hàng ngày và cho cuộc chiến đấu của đất nước là từ viện trợ của các quốc gia khác, tiền chỉ là biểu trưng để thanh toán dòng vật chất đã được Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ : Chảy vào đâu, bao nhiêu, vào lúc nào. Chưa có một dòng tiền nào thực sự chảy trong cái nền kinh tế mà ta gọi là bao cấp ấy. Chưa có tiền, tiền chưa chảy.
Đến khi đổi mới (tạm tính từ năm 1987) Nhà nước cũng chưa có tiền (vẫn nghèo lắm) Vì : Khi đó tiền chỉ chảy biểu trưng trong vài dòng do Nhà nước qui ước, khi đó tiền mệnh giá thấp, phát hành (in ra rồi đưa vào lưu thông) rất ít, và vì chưa nghĩ ra ... xin nói ở đoạn dưới. Nhà nước chưa có tiền, khi đó.
Khi Nhà nước nghĩ ra in tiền, đặc biệt là khi in tiền polymer (vừa mệnh giá chót vót, vừa tiêu hàng tập) thì Nhà nước mình giàu rồi (giàu tiền), quá giàu so với một số quốc gia khác, tất cả tiền phát hành là của Nhà nước. Thế là Nhà nước ta đã từ không đến giàu, rất giàu, thật nhanh, cái giàu này chỉ do in tiền nhé, in để chi cho các đối tượng hưởng lương, chi cho các hoạt động của Nhà nước, chi cho các thành phần ngân hàng, kho bạc của Nhà nước, in tiền của Nhà nước, cho Nhà nước ... Nhà nước chưa cần thu tiền các loại  hoạt động kinh tế (trong đó có thuế) để tiêu. Thời kỳ này Nhà nước đang in ra để tiêu và cho vay, về lý luận cái này cao siêu và lằng nhằng lắm, tạm hiểu đơn giản qui trình từ không đến có, từ có đến giàu, từ giàu đến rất giàu là này : Định giá? Định giá lại (tất nhiên cao hơn)? Định giá lại ... Định giá lại nền kinh tế nước nhà? Nhiều lần. In tiền ra phù hợp với những định giá đó.
Đến khi Nhà nước mình nghĩ ra : Nhà nước đang trực tiếp sở hữu đất đai (tài nguyên, khoáng sản - cái mà ta gọi là vàng, bạc của đất nước) và đưa đất đai vào lưu thông, đặc biệt là khi lưu thông với số lượng rất lớn, giá trị rất cao thì tiền thu từ nguồn này cũng lớn theo. Các nguồn tiền thu từ nhượng quyền này (quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài nguyên, khoáng sản, quyền định đoạt kinh doanh, quyền kinh doanh ...) rất lớn, nên trong ngân sách Nhà nước, tiền thu từ thuế vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Mấy điều Nhà nước nghĩ ra này hoàn toàn đúng đến nay, nó là qui luật cho mọi quốc gia, mọi nền kinh tế ở giai đoạn chuyển đổi sang lưu thông hàng hóa, có sử dụng vật ngang giá : Tiền. Như vậy nếu có bàn góp gì đó về chi tiêu chính phủ, khi nói rằng Nhà nước tiêu bằng tiền thuế của dân trong thời gian qua, nghĩa của "tiền thuế" phải được hiểu rộng như sau : Tiền thuế của dân = tiền của đất nước, tiền của dân. Hiểu vậy cho thật, cho liêm và chính.
Minh họa thế này :
Nhà mình (cũng có thể khác) năm 78 ra đồi trống, trồng bốn gốc tre bao một diện tích X, gọi diện tích ấy là đất tao trồng cây và dựng lên một căn nhà để ở. Khi Nhà nước giàu vì đưa đất vào lưu thông, nhà mình cũng tính tiền tỷ (giá trị đất được định giá lại). Khi Nhà nước làm đường qua đất nhà, có đền bù tiền tỷ cho một phần diện tích đất, phần đất còn lại, được định giá quyền kinh doanh đất, vẫn tiền tỷ. Tiền tỷ ấy gọi là kinh tế nhà ta phát triển (cũng có thể nói là : Kinh tế nhà ta phát triển nhanh, vượt bậc, thành tích nổi trội, đáng kinh ngạc, là con .. đã ngóc đầu dậy ...), tiền tỷ ấy chi tiêu cho cả đại gia đình, nên chưa cần tiền đóng góp từ hoạt động kinh tế của các con. Qui trình từ không ti đến vài ti của nhà mình là vậy, giàu ti hả? Nhiều ti ha.
Nhưng từ nay thì khác, khác sao? Khác là in tiền đã đến giới hạn, phải tự điều chỉnh thôi, như anh béo phì ăn như cũ thì "tắc tử", như con cá chép to mấy cũng chỉ là cá chép mà thôi, hóa rồng sao được. Khác là đất vẫn còn nhiều, nhiều lắm, nhưng thị trường đã định giá thấp đi, mấy thằng mua rồi không bán được, thằng sau chẳng dám mua tiếp, có đổi tên gì (nhà thu nhập thấp, biệt thự mini ...) thì cũng vậy. Cái bong bóng đã to rồi thì có thể bơm cho to tí nữa, tí nữa, tí nữa, to theo cấp số nhân .. và .. và vỡ, vỡ rồi phải bơm cái khác, việc bơm cái khác cần nhiều thời gian và khi bong bóng còn nhỏ thì chỉ to dần theo thể tích lũy kế mà thôi.
Và rồi đã đến lúc Nhà nước chi tiêu bằng tiền thuế của dân theo đúng nghĩa đen sì của chữ thuế, đã đến lúc Nhà nước phải thu thuế để tiêu, thu triệt để, nghĩ mọi cách để thu. Đến lúc rồi, nuôi thuế để thu.
Tạm gọi nhận thức trên là THUẾ 1, có thể thêm vài thuế khác.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

NGHĨ CÓ, LÀ CÓ.

Vài câu chuyện sau, là cách nhận thức khái quát nhất, theo thiển ý của mình về tâm linh.
Chuyện rằng : Ở một nước châu Âu có số đông theo đạo Thiên chúa, có một Ông không theo đạo, thấy Bà hàng xóm của mình theo đạo, thường thực hiện các lễ nghi với lòng thành kính thì không phục và hay chế giễu. Một sáng sớm nọ, Bà hàng xóm mở cửa nhà mình thì thấy một bó hoa rất đẹp để nơi hè, Bà thành kính nâng bó hoa lên sát mặt và nói : Con cảm ơn Người đã cho con những bông hoa này. Chợt người hàng xóm của bà hiện ra và giễu cợt : Người nào? Của tôi đấy. Bà hàng xóm càng thành kính hơn và nói : Con xin cảm ơn Người lần nữa, Người đã cho hoa bằng tiền của kẻ ghét con nhất.
Chuyện rằng : Có hai người đi đường, một người mót tiểu tiện bèn vạch quần ra và chuẩn bị, Chợt nghe người kia la to : Ông không được đái ở đây! Tại sao? Đây gần miếu thờ một vị Thánh rất thiêng, Ông mà đái sẽ bị quở phạt đó! Tôi không sợ, Thánh của Ông chứ không phải của tôi, đã thế tôi vòng ra trước cửa miếu đái xem sao?. Rồi làm thật và cùng nhau về nhà. Ngày sau Ông không đái bị ốm rất nặng, nghĩ Thánh phạt nhầm, Ông biện lễ ra miếu khấn kêu oan. Thánh hiện lên và phán : Không oan! vì ngươi cản, nên kẻ nọ mới đái ngay trước mặt ta, nếu không cản nó đã đái sau lưng ta rồi. Ngươi thờ ta mà gây ra việc ấy, ngươi phải chịu lỗi, nó không thờ ta thì ta làm gì được nó.
Chuyện rằng : Thần thổ địa của đất ấy đi cà nhắc lên thiên đình tấu với Ngọc hoàng : Kẻ nọ đào móng nhà vào đúng chân của thần rất đau, thần cúi xin Ngọc hoàng trừng trị kẻ đó. Ngọc hoàng hỏi : Thế trước khi đào nó có biện lễ chi không? Thưa không? Hừm không có lễ hả? Dạ không có? Thế nó có làm chi? Dạ nó chỉ đứng ở đó và nói : Tôi đào móng nhà cho gia đình tôi an cư, lạc nghiệp, nếu có ai đang ở dưới thì xin tránh ra cho tôi đào.! Ngươi nghe thấy mà không tránh thì phạt ngươi đó, nếu có người tự tâm bày lễ thì ngươi nhận, nay ngươi có ý đòi lễ, không được lễ, lại trách người ta hả???
Và nhiều, nhiều chuyện nữa. Có thể chuyện  NÀY . Thế mới hay : NGHĨ CÓ, LÀ CÓ vậy.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

TÂM LINH

Khi đăng bài NGỘ BIÊN GIỚI, các bạn quen mail cho mình và hỏi, sao chưa thấy viết về ngoại cảm, trên mạng đang bàn quá nhiều. Mình viết bài này, để thành thật với mình, với bạn.
Tâm linh theo hiểu của mình là sự suy nghĩ của riêng mình về tiên tổ, về cõi người sau nhân sinh, mình nhấn mạnh, chỉ riêng và tự mình mà thôi. Như vậy tâm linh không thể biên dịch cho người khác và càng không ảnh hưởng, thuyết phục đến ai? Tâm linh có thể tự chứng minh chứ không được chứng minh! Cõi thiêng liêng (linh) của lòng (tâm) mình. Lòng mình có cõi thiêng liêng - Tâm linh.
Về tâm linh, mình cũng có nói đến trong bài THỬ PHÊ BÌNH ở mục "thử ... Quản lý xã hội." ở mục đó, mình đã bàn trực tiếp đến hai đối tượng người.
Người khai thác thứ nhất. Người lập, làm Dự án xây dựng khu tâm linh nhằm : Khai thác đất không trả phí hoặc trả phí rất rẻ (giống như làm thủy điện khoảng hai mươi năm trước). Khai thác tài sản quốc gia rất rẻ với số lượng vượt qua nhiều nhu cầu thực xây dựng, bán phần vượt đó thu lợi ngoài dự án (lại vẫn giống ông thủy điện - bán gỗ được ba thì chi vào xây dựng thủy điện một, hai phần chia hai nhóm). Khai thác "tâm linh" (tôi để trong ngoặc vì không trùng tâm linh của tôi - đã diễn giải trên) người khác, điều khai thác này, cá nhân tôi không trách vì cái "người khác" ấy tự thích, tự đến, tự chi tiền  "Yên tâm đi, hàng ngày phải có hàng triệu người đến với các anh chứ chả ít đâu, hàng triệu người đấy, mỗi người lại tiêu hàng triệu đồng hả..".  Xin nói thêm điều này :  Nếu không có hai khai thác trên thì rất, rất khó có khai thác "tâm linh" này, "tiên có khồng" mà.
Người khai thác thứ hai. Người duyệt dự án rất, rất hiểu hơn tôi, rất, rất giỏi hơn tôi, rất có tài kiểm soát hoạt động của người làm dự án, thậm chí có cả bộ máy để kiểm soát dự án ấy, do vậy đếm được dòng tiền, đếm được từng đồng "của mình".
Người khai thác thứ ba. Người này vì cái danh, cái lợi (thường vì cả hai) PR cho dự án dưới hình thức "lộ chính mình" thông qua "công vụ". Người này mình chưa dẫn trong bài.
Trong những điều mà mạng đang bàn về "ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ" có âm bản ảnh của cả bốn đối tượng người đó. Có đủ à.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

BẠN GIÁO.

Nhân kỷ niện 56 năm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" và 31 năm "Ngày nhà giáo Việt nam", xin chân thành chúc tất cả các Bạn giáo sức khỏe và bình an trong cuộc sống.
Xin chép tặng các Bạn giáo mấy vần mình ghi tháng 10/1977. Khi còn là bộ đội hơi yêu nhiều Cô giáo.

EM LÀ

Chiều ấy gặp em nơi bến đợi
Làm quen, anh gợi đôi câu
Sang đò, em về đâu
Lóng lánh mắt vui vui
Em tinh nghịch lắc đầu
Em chẳng về đâu
Em là người lái
Đò sang sông, em quay đò lại
Đón khách, lại sang sông
Suốt bao năm ròng
Em tiễn đưa và đón đợi
Bao lớp người đi xa vời vợi
Tới mọi miền quê
Riêng em cứ đi về
Với con đò em chở.
***
Một sáng xuân nào
Ra đón "sóng" sông Thao
Lại gặp em, cô gái đó
Vẫn đôi mắt long lanh
Nụ cười tươi, môi đỏ
Hôm nọ em đùa anh!
Nghề em dệt màu xanh
Cho mai ngày cuộc sống
Ngày, ngày em ươm giống
Em vuốt ngọn, tỉa cành
Chăm chút từng mầm xanh
Nâng niu từng cành lá
Cây lớn cây đi xa
Em đón mùa hạt mới
***
Hôm nay đến thăm trường
Anh nán đợi sao lên
Tới gần một ngọn đèn
Hắt qua ô cửa nhỏ
Ồ lạ thay em đó
Cô gái lái đò? cô gái trồng cây?
Vẫn em, đang ngồi đây
Cầm cây bút trong tay
Em cho điểm, chấm bài
Soạn giáo án ngày mai
Soạn hạnh phúc tương lai
Cho những đàn em nhỏ
***
Ôi thảo nào em bảo
Lái đò - đón đưa
Che nắng trưa - Ươm mầm nhỏ
Vẫn chỉ là em đó, ngồi đây
Anh thấy em hôm nay
Như ngọn đèn sáng tỏ
Soi rất rõ xung quanh
Riêng tối lại để dành
Một chút con - bóng nó
*
***
Anh bảo em "là phù xa cuộc sống
Em là người nhân giống - trồng người
Em là ngọn đèn suốt đời tỏa rạng"
Ứ, ừ "Em là nhà sư phạm thích hơn"

Ảnh
Bản scan bút tớ

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

NGỘ BIÊN GIỚI.

Ngộ theo nghĩa "nhận thức", "trực nhận", "thấu hiểu xuyên suốt" nhưng trong trường hợp này mình thích nghĩa : "trực nhận chân lý" hơn. Thế nhé.
Là này, Mình đặt Blog là BIÊN GIỚI với nghĩa đã mô tả "Biên giới quốc gia, biên giới cuộc đời, biên giới công việc ... và biên giới mây", bài đầu của Blog là bài : BIÊN GIỚI  cái biên giới cụ thể được vẽ, được đo lường bởi pháp lý giữa hai quốc gia nhưng vẫn có thể đổi thay. Về biên giới mình thích bài : BỐN CHỤC NĂM RỒI VÀ TOÁN VÀ CHÂU. Bởi ngoài biên giới của xương, cốt sau chiến tranh, biên giới về khả năng huy động sức người, sức của đi tìm ở mỗi bên, còn là biên giới của tâm thức, nhận thức, ... tâm linh? Cái biên giới nay đang rộ lên trên thông tin đại chúng : Ngoại cảm tìm cốt liệt sĩ.
Và này, mình ngộ? Đó là biên giới công vụ, biên giới nhận thức công vụ, biên giới đạo đức công vụ với biên giới công dân, đạo đức công dân. Một loại biên giới gốc, để rồi ra bao biên giới khác diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, các biên giới cành, lá, ngọn từ gốc này. Hai biên giới CÔNG VỤ VÀ CÔNG DÂN (bao gồm nhận thức, hành vi và đạo đức) vẫn có độ vênh như trong bài mình đã viết : ĐÃ ĐƯỢC TRẢ. Đến nay sau rất nhiều trực nhận khác trong cuộc sống, mình thấy trực nhận ở bài đó khái quát chân dung hai trong một. Đó là ngộ biên giới vậy.
Ngoài những gi mình viết trong bài đã dẫn, hôm nay viết thêm viện dẫn này để bàn thêm một quá trình có thể xảy ra sẽ thêm vào độ vênh đã nói.
Viện dẫn (hơi dài) : 
  Bí thư Đảng tại một công ty nhà nước (bây giờ có thể là công ty cổ phần) từ hơn 20 năm trước (bây giờ vẫn vậy) thường làm việc sau, đó là vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ (8-3; 30-4; 1-5 ...vv) hoặc ngày có sự kiện, ngày hội. Hội thể thao chẳng hạn? Phong trào rèn luyện gì đó,có thể? sự kiện Festival cũng nên? (xin gọi tắt là : hoạt động) mang quà của Công ty (nếu đứng danh đại diện CT), hoặc của Đảng ủy (nếu đứng danh Đảng ủy) hoặc của cả hai (thường thế), quà có thể là tặng vật, có thể là phong bì, có thể cả hai. Quà được trích từ chi phí Công ty hoặc quĩ Đảng (đều là của công, theo cách gọi ngắn) để tặng một hoạt động cụ thể, quà tặng này không đòi hỏi chứng từ kế toán quay trở lại, nó tất toán luôn khi chi. Lại thế này, các hoạt động ở nơi quà đến, đều đã có đủ chi phí, được duyệt để tổ chức hoạt động ấy, chi phí này phải được quyết toán sau hoạt động. Lại giả dụ này, có hoạt động qui định ghi chép quà tặng (ghi đủ đại diện tặng, đủ số lượng mỗi đại diện tặng- xin nhờ vào đạo đức người ghi, người quản lý bản ghi) cũng có hoạt động không ghi. Quá trình có thể xảy ra ở đây là :  Quà tặng liệu có bị bớt xén hoặc chia chác hoặc cả hai, rất khó để không thể xảy ra điều đó sau các năm, mỗi năm hàng chục lần mang quà, trong đời một con người có xương thịt biết đau nhưng cũng biết sướng, cái sướng thịt, xương trần thế. Nếu một chủ thể là cá nhân công dân tặng quà, hiển nhiên không có quá trình vừa giả dụ. Xin bàn lan man vậy để nói đến độ vênh. Độ vênh ở đây là vênh giữa đại diện và chủ thể, vênh của quá trình có? không! ở trên, cũng tức là vênh của công vụ và công dân vậy.
Viện dẫn chắc còn nhiều nữa, chỉ xin một này để hiểu.
Với mình NGỘ BIÊN GIỚI, Trực nhận chân lý biên giới rồi thì dừng, thì ngừng suy tư BIÊN GIỚI, để sang một suy tư khác. Suy tư NHẬN THỨC mà mình sẽ thêm mô tả vào Blog này là : Tôi nhận thức Tôi, nhận thức mọi người, mọi việc, mọi hoàn cảnh. Sống là nhận thức cuộc sống.

CHOÁNG. THẬT MƠ.


  1. Chắc mọi người cũng như mình CHOÁNG khi đọc tin này. Đúng là THẬT MƠ


    Mỹ: 7000 người giúp cậu bé năm tuổi đạt giấc mơ thành người dơi ...

    infonet.vn/The-gioi/My-7000-nguoi-giup-cau-be.../120327.info
    1 ngày trước - Mỹ: 7000 người giúp cậu bé năm tuổi đạt giấc mơ thành người dơi ...biến thành siêu anh hùng Batman (người dân ở đây yêu mến gọi cậu  ...

  2. giadinh.net.vn › Thế giới
    6 giờ trước - Theo tờ USA Today, đã có khoảng 7000 người dân đổ xuống đường ...Hình ảnh cậu bé người dơi Miles Scott trên đường phố San Francisco.
  3. 7.000 người giúp cậu bé bị ung thư đạt giấc mơ làm Người Dơi

    kenh14.vn › Xã hội › Thế Giới
    21 giờ trước - Ước mơ trở thành siêu anh hùng của một cậu bé 5 tuổi bị mắc bệnh ung thư đã trở thành hiện thực khi thành phố San Francisco biến thành ...
  4. Mỹ: 7000 người giúp cậu bé năm tuổi đạt giấc mơ thành người dơi ...

    xembaomoi.com/.../my-7000-nguoi-giup-cau-be-nam-tuoi-dat-giac-mo-...
    1 ngày trước - Một cậu bé 5 tuổi bị mắc bệnh ung thư đã trở thành một siêu anh ...Com - Xem tin tức nhanh nhất Đặt XemBaoMoi làm trang chủ | Bookmark XemBaoMoi... Mỹ: 7000 người giúp cậu bé năm tuổi đạt giấc mơ thành người dơi.

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

ÁM ẢNH

Mình bị hai ám ảnh, tiếng động cơ máy bay và xác nhiều người. Tiếng động cơ máy bay cho đến bây giờ khi nghe vẫn nảy sinh trong mình về sự di chuyển của nó gồm : hướng, xa gần, cao thấp, nhanh chậm ...vv. Còn hình ảnh những Thanh niên xung phong chết tại Địa đạo ở khu tập thể Bệnh viện Gang thép cũ vẫn hằn trong não mình. Nay đọc bài này : Thê lương đám tang tập thể đầu tiên của nạn nhân bão Haiyan  link bài : ĐÂY 
Ảnh trong bài đã dẫn
  Trong đợt đầu tiên, 100 thi thể đã được mai táng
ám ảnh cũ lại hiện lên.
Xin xem thêm 12 NGÀY ĐÊM NĂM 72 Ở THÁI NGUYÊN  và  HỌ ĐÃ CHẾT Để hiểu.


Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

CHỨNG TỎ

Chợt buồn khi xem bài : NÀY
Chợt buồn cho nước Mỹ, một nước giàu nhất thế giới, nước có nền công nghệ cao, tiên tiến mà không làm cái nhất thế giới. Đã vậy lại tính thêm cả cây ăng-ten cao 124m, mới nổi 541,3m cho tòa nhà này, được gọi là Tòa tháp trung tâm thương mại thế giới mới (1WTC). Được xây dựng trên nền tòa tháp đôi (Twin Towers) ở khu Manhattan hạ, vốn bị phá hủy trong vụ khủng bố 11/9/2001 cùng các tòa nhà khác tại khu Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC)
Tại sao không làm cao nhất thế giới để : Khắc bia căm thù khủng bố. Chứng minh sức mạnh nước Mỹ. Quảng bá hình ảnh đất nước. ...
Chợt buồn cho Ông Tổng thống Mỹ, không ra lệnh xây phần thân nhà đã cao nhất thế giới, để nói với quốc dân : Chứng tỏ? Đã chứng tỏ? Sẽ chứng tỏ?
Việc xây tòa nhà có chiều cao phải nói là khiêm tốn này chứng tỏ, nhất thế giới chưa là nguồn cảm hứng cho người sáng tác, nhất thế giới chưa là động lực cho người xây dựng, chưa là ...

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

SÁNG CHẾ.

Mình cảm thấy "rất tự hào" nghĩ ra LUẬT XUẤT XỨ để đề nghị lên quốc hội ảo thông qua. Nhưng mình cũng hiểu rằng mình không phải lao tâm, khổ tứ, tốn công sức gì để sáng chế cả, chỉ là thấy thực tiễn sau :
Nước mình lập chứng minh thư cho dân từ tám hoánh nào, nhưng đến nay trong mọi hoạt động dân sự, hành chính hầu như không sử dụng. Các loại thẻ công vụ cũng vậy, hầu hết chỉ được đeo cho vui chứ không hề được ghi nhận, ghi lại để chứng tỏ đang, đã làm việc với công hoặc viên hoặc doanh chức đó. Thậm chí nếu ghi lại thẻ bằng hình ảnh (chụp hình cảnh sát giao thông chẳng hạn) còn bị coi là có lỗi, có tội. Câu chuyện hài hước là một Ông tướng công an cũng to to, đăng đàn rằng : Thẻ công dân sắp cấp, sẽ cấp một dãy số, một lần, cho một người nên rất ưu việt. Ông đó không hiểu (A, B, C. Lợn Sề chết đói. ....) rằng chứng minh thư đang dùng chính là cái, chiếc thẻ đó, có điều nó đang mang 9, 10 hay 11 chữ số mà thôi. Đề cập vấn đề này Ông nên nói rằng : Do thiếu lường trước, chúng tôi đã lập CMT là x số, nay để phù hợp quản lý chúng tôi xin học Bà viễn thông, thêm số cho các thuê bao! hoặc như cảnh sát giao thông giữ số cũ và lập thêm số mới cho các phương tiện đường bộ.
Mình cũng thấy trong nhiều hoạt động của cơ quan hành chính công với công dân (mà hay gặp nhất với các công dân là tiểu thương, tiểu chủ, doanh nhân) là các hàng hóa khác tiêu chuẩn ở trong quầy hàng, cửa hiệu, doanh nghiệp của công dân đó, đều là không rõ XUẤT XỨ. Hệ quả không xét, sử được ai.
Thậm chí trong nhiều hoạt động của hành chính công, các giao dịch dân sự cũng thường thấy những chuyện như vậy. Xin ví dụ vài chuyện (mọi người đều có thể dẫn rất nhiều) :
Ông X ở đơn vị Y nay chuyển đến cơ quan Z. Bộ hồ sơ cá nhân lấy từ Y nộp vào Z, phát hiện thiếu lý lịch tự thuật, bèn mua một quyển mẫu lý lịch, điền vào đầy đủ, quay về đơn vị Y. Đơn vị Y phê xác nhận  "... đúng như lý lịch đơn vị đang quản lý." Ký tên, đóng dấu và nộp vào cơ quan Z. Xong.
Cơ quan A, hoặc doanh nghiệp B phát hành thẻ công tác cá nhân, quản lý thẻ rất chặt ngoài cổng, ai không đeo thẻ không được vào (báo hại người vào trước, phải mượn thẻ quay ra cho người quên thẻ đeo, để vào). Nhưng trong khuôn viên cơ quan, hoặc doanh nghiệp thấy có người không đeo thẻ thì không kiểm tra. Đáng lý phải là : Nếu có người không đeo thẻ trong cơ quan, doanh nghiệp phải phạt (với người của cơ quan, doanh nghiệp đó, nếu được chứng minh) và thông báo cho bộ phận có người đó biết, phải tạm giữ (với người không của cơ quan, doanh nghiệp đó) và sử lý theo pháp luật với lỗi, tội xâm nhập cơ quan, doanh nghiệp trái phép. Xin mở thêm : Người viết từ những năm 90 của thế kỷ trước đã nghe câu : Tư bản quản lý ngoài lỏng, trong chặt. Xã hội chủ nghĩa quản lý ngoài chặt trong lỏng. Đúng he.
Trong các ví dụ trên đều thấy : Không sử dụng xuất xứ, hoặc sử dụng xuất xứ không đúng cách, nên mới ra như vậy. Để sử dụng xuất xứ trong xã hội đúng cách, phải đề ra LUẬT XUẤT XỨ, dễ hiểu, đơn giản quá mà, mình chả có tẹo công lao nào, cái mình nhìn ra, nhìn thấy, tất thảy đều thấy hơn mình. Lại nói trong bài : DÌ TIẾN   mình lên hương , lấy le chị Tiến đôi tí à, nếu phát hiện ra điều này (A, B, dắt dê đi ị) thì chị Tiến  đã không phải cảm ơn mình mà có thể cằn nhằn, Em thiệt đôi tí với anh rồi. Đừng ai nói với DÌ về bài này nha, cằn nhằn thiệt đó.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

HAI BÀI.

Cả hai bài viết đều gọn, sáng, đáng ngẫm ... Mình xin về Blog này.
Bài : Tai họa của “thể chế hóa” nh­­­­­ững điều chưa biết: tâm linh và chủ nghĩa xã hội  linkĐÂY
Và bài : TẢ LÓ SAN - 14 NĂM RỒI TĂM TỐI  link : VÀ ĐÂY

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

BẢO GÌ?

Tít bài trên dantri.com.vn :

EVN đưa biệt thự vào giá điện: Chờ kết luận của Thủ tướng

link :  ĐÂY.   Chắc tít bài sau sẽ là :

Thủ tướng bảo rút ra.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

THÀNH CỤ.


THÂN TẶNG CÁC BẠN KHÓA A (1969-1972).
TRƯỜNG CẤP 3 GANG THÉP


***
Trai chúng mình đi xa rất sớm
Dồn vào Nam đánh trận tận Cà mau
Ra nước ngoài trẻ và nhiều lắm
Trong những Sư đoàn ở Căm pốt, Ai lao.
Và những nhóm sinh viên chọn lựa
Sang các nước phe mình, học cho ngày mai
Gái chúng mình phần đông là cô giáo
Các Bạn giáo đùa nhau, trắng lắm
Phấn, bảng, tay đã nhiều năm ngắm
Khi về hưu chợt mình, chân trắng
Thầy giáo “tháo giầy”  thấy chân.
Chúng mình gấp Ruồi trâu và Paven vào
Cầm cây gậy Trường sơn lên đường
Cùng gậy đến trường, với gậy hành quân
Bạn của chúng mình đã hy sinh
Đã thương binh với niềm tin ấy
Đã bắn súng, đã viết mòn bảng, phấn
Trong đợi chờ, “đâu chỉ dài và nhớ”(1)
Cùng một tương lai, chỉ một hướng nhìn
 “.. như chưa thấy mình”(2), ”.. phơi phới dậy tương lai” (2)
Thế hệ mình sống đến giản đơn
Nghĩ chỉ : Đúng! Sai! Nói chỉ : Có? Không?
Phê và tự phê là sống và chiến đấu
"Cả đời tranh đấu", chúng mình với nhau.


***
Những năm tám mươi(3) mình sống tự nhiên
Cứ quá khứ hào hùng, cứ tươi sáng tương lai
Ăn quá khứ quen, trông "cá gỗ" thành quen
Tư duy có chiều, làm theo cùng kiểu
Nghĩ mới làm gì, cái mới dễ sai
Trai phục viên xanh sao, đói ngoác
Đâu quản đêm ngày cày chuyện “CHIẾN CÔNG”
Cô giáo nhận phân, thay phần lương thực phát
Ngày bón sắn, khoai, tối soạn đến “TƯƠNG LAI”
Mình giỏi mà, mình chống thiên tai bão, lụt
Mình khôn lắm, mình đi đường tắt
Trâu chậm à, chỉ nước đục thôi
Mình  tiến nhanh, mạnh, vững chắc mà
Chỉ một con đường mình chọn
Mình xong dân tộc, dân chủ đã lâu rồi(4)
Từ khi mình đại thắng
Thế giới ngày nay vẫn loay hoay dân chủ
Cho nước mình và bè bạn đồng minh!
Xã hội tương lai mình tự hỏi
Lanh-te-rơ-na-xi-o-na-lơ?
Việt ngữ chưa? Nghĩa nào? Ai chuyển ngữ?
Biết đâu đấy, cuối đời mình được thấy
Chủ thuyết bền lâu là chủ nghĩa nhân dân
Xã hội quyền dân, kinh tế tự dân?
Nhân dân là ngữ Việt.


***
Thế hệ lạ kỳ, chứng nhân nhiều biến động
Biết phong kiến, từ khi còn nhỏ
Làng phong kiến, quê mình khi đó
Người phong kiến ư, chính thân nhân mình
Đia chủ ra trại ở, nhà, đất đã chia dân,
Đình, chùa chia hết, ruộng lại góp chung
Chung người, chung trâu bò, vào hợp tác
Công nhân lãnh đạo, Nhà nước công nông
Ta lớn lên với Việt nam dân chủ cộng hòa
Sống trọn đời cùng Cộng hòa xã hội 
Kinh tế thị trường định hướng đến nay
Thế hệ hòa bình, thế hệ chiến tranh(5)
Đã chống bốn phương, nay đang phương biển
Còn phương người đông, phương ấy có? Không?
Hơn hẳn tiền nhân, ta chống cả trên không
Thế hệ mình, nghiệm chiêm nhiều thú vị
Thế giới ngày nay, phẳng với thông tin
Rằng lũ đế quốc đêm qua sống sót
Cái ” …  loài dơi hốt hoảng” (6)
Đã ” … bay chập choạng…”(6)
Thành Nhà nước dân sự nay, chẳng chủ nghĩa nào
Với nền kinh tế thị trường đang phát triển
Nhiều Nước, lắm người, lũ chúng rất đông
Thế hệ mình sống và nghe, thấy
Xã hội chủ nghĩa mình sống động
Dẫu vài lần lóa mắt, mấy bận òa tim
Lịch sử phe mình đổi thay chưa hết?
Trong thế hệ diệu kỳ, thế hệ mình lạ thật.


***
Thời gian trôi và ta nhiều tuổi
Nhi nhĩ thuận(7) lại bất chợt cười
Bất chợt tuổi mười năm thánh thiện
Lại vào FB, lại chơi Blog
Thứ vẫn nghĩ  là, cho trẻ chơi vui
Thế gii ảo mà, tưởng trò điên đảo
Hóa ở đây không vướng bận đời thường
Không phân trắng đôi chân và đôi chân trắng
Không hỏi dũng sĩ gì?, hay tuột xích về quê?
Học hiểu được vô cùng, vô biên cuộc sống
Ở đó ta và sáu tỉ người sẽ bạn
Lại reo hồn nhiên khi facebooks báo tin về
Ấy và Ấy, với nhau thành bạn
Ta lại bạn mình, ấy lại bạn ta, sướng nhỉ
Sau mấy chục năm rồi, đã bạn của nhau
Ta chào nhau! Câu chào của mấy mươi năm trước
Lại thấy mình giàu, giàu bạn, giàu tình
Bốn mươi năm ấy lại ban đầu
Lại vẹn nguyên vui và ríu rít cùng nhau
Lại gọi mày tao, khen chê gầy béo
Nhìn sâu nhau, vào trong đáy mắt
Để lại xuyến sao, sau mỗi ánh nhìn
Lại trao nhau miếng bánh thủa nào
Bà, Mẹ gói với rất nhiều lớp lá
Tưởng Mẹ nghèo, độn để thêm to
Hóa Mẹ bảo ôn, giữ hồn cho bánh
Và nói cùng nhau, hồi ấy tớ …
Cậu có hiểu gì? cậu có biết không?
Và … những và … và cả đời tớ đấy!
Tuổi sáu mươi sẽ lại tương lai
Quá khứ đã trôi, di sản đã trao rồi
Đã trôi xa "cả đời tranh đấu"
Con trưởng thành rồi, hỏi nhau nội ngoại
Ánh mắt đã trao, hình nhau đã đọng
Tên mình, tên bạn đã lặn trong nhau
Tương lai đã gần, tương lai cũng xa
Sáu mươi tuổi đời, Con hiểu Mẹ
Ân tình Người sau những lớp lá xanh
Hiểu Con ta nuôi, hiểu các Cháu ta chăm
Hiểu chính ta, hiểu bạn bè ta nữa
Ta vẫn ta, mình vẫn là mình
Bốn mươi năm ta, vẫn bạn
Sáu chục tuổi đời mình, vẫn ta
Chúc khỏe, chúc giầu hay hạnh phúc
THÀNH CỤ Cháu mình! Chúc nhé khóa A.

GHI CHÚ :
(1) : Câu hát trong bài : Hành khúc ngày và đêm. TG : Phan Huỳnh Điểu.
(2) : Câu thơ "Trường sơn đông nắng tây mưa; Ai chưa đến đó như chưa thấy mình" và "Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước; Mà lòng phơi phới dậy tương lại"
(3) : Của thế kỷ 20.
(4) : Ý phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng. Đã trích trong : SAO THẾ NÀY ở Blog này.
(5) : Thế hệ sinh năm 1954 và kề cận.
(6) : Câu thơ "Lũ Đế quốc là loài dơi hốt hoảng: Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người"
 (7) : Câu trích : Lục thập nhi nhĩ thuận, Nghĩa tương đối là : Sáu mươi tuổi, tai người đã thuận với mọi lời nói.