Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

DỊ BIỆT.

Đọc các tin tức về giá dầu hạ xuống 50 USD thùng thấy một vài điều khác biệt thế này.
Nếu đây là cuộc chiến giá dầu của OPEC và các trùm dầu đá phiến (Fracking) Mỹ thì không phải là cuộc chiến Mỹ +  châu Âu với Nga, và như vậy cuộc chiến Mỹ + châu Âu với Nga sẽ chỉ còn là cấm vận và trả đũa cấm vận mà thôi, thực tế cũng đang chứng minh điều đó. Cuộc chiến giá dầu sẽ là cuộc chiến kinh tế kinh điển giành thị trường, thị phần dầu trong ngắn và trung hạn. Cuộc chiến do OPEC khơi mào với hy vọng giá bán xuống dưới giá khai thác dầu từ đá phiến để các công ty khai thác Mỹ phải bỏ cuộc vì lỗ. Với giá khai thác dầu của Arabia Saudi được cho là 20 (có nguồn dẫn 15) USD thùng và của Mỹ là 30 USD trong hiện tại. Nhưng mình thấy giá dầu của OPEC nói chung là khó giảm tiếp sau hàng trăm năm khai thác với những cải tiến không ngừng nghỉ, còn tại Mỹ việc khai thác dầu từ đá phiến mới chỉ trong khoảng hai năm trở lại và là công nghệ mới nên còn nhiều khoảng cải tiến có thể có. Mặt khác dầu từ đá phiến chỉ là phần nhỏ trong nền kinh tế  Mỹ, còn dầu lại gần như là toàn bộ nền kinh tế Arabia Saudi, cho dù Arabia Saudi viện dẫn dự trữ 700 tỷ USD đi nữa. Vả giá 20 USD là giá của Arabia Saudi còn giá dầu của các nước nội khối OPEC cao hơn nhiều, nếu vậy ai phải đầu hàng trước.
Do giá dầu hạ, nên giá xăng tại Mỹ cũng hạ theo, hiện nay là chưa đến 2 USD một Gallon, tức dưới 12.000 VNĐ một lít, ở Việt Nam khoảng 18.000 VNĐ (17.570 đến 18.539 tuỳ loại xăng và Khu vực). So sánh thu nhập 53.143 USD với 1.960 USD của cùng năm 2013 và giá xăng tương ứng là hơi kỳ, nhưng đây là thu nhập và giá thực hiện hành. Tất nhiên là chúng ta hiểu giá xăng tại Việt nam cao là do chính phủ điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng lên mức 35% và có thể lên 40% theo các báo trong nước đã thông tin. Còn ở Mỹ thì chính phủ không được điều chỉnh, vì các sắc thuế thực hiện theo luật nằm ngoài quyền hạn của các chính quyền tiểu bang và liên bang. Bởi vậy, hiện nay các tiểu bang có nguồn thu từ dầu lớn đang gặp khó khăn ngân sách khi giá dầu giảm.
Giá dầu hạ thì đầu tiên là các quốc gia xuất khẩu dầu sẽ giảm thu và ngược lại, các quốc gia tiêu thụ dầu sẽ giảm chi. Về lý thuyết thì tổng giảm thu sẽ bằng (=) tổng giảm chi, vậy là cơ hội cho kinh tế thế giới nói chung, cơ hội để cải tiến công nghệ khai thác dầu và cơ hội tăng chi cho những mục đích khác, cơ hội đó vào khoảng 1.500 USD mà các báo đã ước lượng. Một khoản tiền khổng lồ cho các nước nhập dầu mà trong số đó có nhiều quốc gia nghèo trên thế giới, một cơ hội quá lớn cho người dân. Ở Việt nam thấy các báo bàn đến vấn đề này nhiều, xong chưa có thống kê cụ thể về số hụt thu do xuất dầu và số giảm chi do nhập xăng, tức cán cân thanh toán dầu nghiêng hay cân bằng. Hiện chỉ có tin sẽ đóng cửa các giếng dầu có giá khai thác cao hơn giá bán và cũng không có số liệu về sản lượng các giếng sẽ đóng cửa đó.
Đối với các quốc gia xuất dầu thì việc giảm thu từ bán dầu lại có khác biệt ở những quốc gia có chính phủ chi tiêu phụ thuộc phần lớn vào thu từ dầu như Venezuela, Nigeria, Nga, Iran ... Vì giảm thu ngân sách. Với ví dụ nổi bật là Venezuela vừa phải vay Trung quốc 20 tỷ USD mà một số báo còn giật tít : Khoản vay không hoàn lại, do đất nước đang chao đảo và cận kề phá sản. Thực sự thì khoản vay đó là tiền mua dầu trả trước với giá rẻ của Trung quốc mà thôi. Lại có khác biệt lớn hơn với các quốc gia chưa có nền dân chủ do chính phủ phải đối phó với khả năng không được tín nhiệm và bị đổ, mà đi theo chính phủ đổ ở các quốc gia đó là rối loạn xã hội, thậm chí tàn phá xã hội. Còn ở các quốc gia dân chủ thì xã hội đã quen với bất tín nhiệm chính phủ hay người đứng đầu chính phủ nên tương đối bình thường. Hai xã hội đó có hai hậu quả khác nhau, rất khác nhau của việc thay đổi chính phủ hay người đứng đầu chính phủ là do có hai quần chúng khác nhau, sự khác nhau này là quá lớn và bất định như đã phân tích trong QUẦN CHÚNG. Nói gọn lại là một xã hội người dân tự chọn thay đổi chính phủ hay người đứng đầu chính phủ trong dân chủ nếu thấy cần thay đổi, một xã hội người dân bị chọn, thậm chí áp đặt chọn sự thay đổi ấy, nói dị biệt là nói vậy. Dị biệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét